Trên cương vị Cục trưởng đầu tiên của Cục Chính sách QDNDVN[7] Lê Tiến Phục

Đồng chí Lê Tiến Phục (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quân 1976

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, công tác chính sách với quân đội và hậu phương quân đội đặt ra với một khối lượng rất lớn, tính chất khó khăn phức tạp, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Trước tình hình đó, ngày 21 tháng 11 năm 1967 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị. Đang là Cục phó Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Chính sách. Suốt trong nhiều năm, được sự chỉ đạo của cấp trên, Cục Chính sách với sự chỉ huy của Cục trưởng Lê Tiến Phục đã tích cực triển khai đồng bộ và thu được nhiều kết quả.

  • Đã nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành các hình thức khen thưởng, kịp thời tuyên dương những người, những gia đình, những tập thể có công, góp phần cổ vũ động viên phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công.
  • Chỉ đạo giải quyết công tác thương binh - liệt sĩ trong chiến đấu ở chiến trường.
  • Tổ chức tuyến chuyển thương đưa hàng vạn thương binh từ các chiến trường về hậu phương lớn
  • Thành lập hơn 20 đoàn điều dưỡng thương binh ở miền Bắc
  • Kịp thời giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành cho hàng chục vạn thương binh đã lành vết thương, ổn định sức khỏe, nhưng không còn khả năng tiếp tục phục vụ trong quân đội
  • Chỉ đạo việc xác minh, kết luận để báo tử và giải quyết kịp thời quyền lợi gia đình liệt sĩ đối với hàng chục vạn quân nhân hy sinh trong chiến đấu ở các chiến trường.
  • Chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương thực hiện chính sách quản lý và chăm sóc gia đình có quân nhân đi chiến đấu.Thời điểm đó, tổng số toàn miền Bắc có 53 vạn gia đình có người thân đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, với 1,6 triệu thân nhân hưởng trợ cấp B hàng tháng. Với phương châm chỉ đạo việc cấp phát trợ cấp B đối với gia đình quân nhân là:"đủ số, tận tay, đúng kỳ".
Kỷ niệm 50 năm Hội Ái hữu thợ mộc: Đồng chí Lê Tiến Phục (thứ hai từ phải sang) cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ trưởng Hà Kế Tấn

Quy cách điều hành việc nghiên cứu đề đạt chính sách của Cục trưởng Lê Tiến Phục là: Trên cơ sở nắm bắt chủ trương của trên, bám sát phát hiện tình hình thực tế ở đơn vị địa phương, từ đó bật ra ý tưởng, giao cho cơ quan nghiên cứu khảo sát, xây dựng đề án, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia và các cơ quan hữu quan, sau đó tổng hợp hoàn chỉnh thành tờ trình báo cáo lên cấp trên xem xét quyết định. Với các nội dung chính sách đã ban hành thì tổ chức phổ biến, chỉ đạo hướng dẫn chung, đồng thời theo dõi một vài trọng điểm để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo. Bao giờ cũng vậy, ông coi việc kiểm tra thực hiện chính sách ở các cấp, ở các khâu là một việc làm không thể thiếu của cơ quan chiến lược. Quy cách đó trên thực tế đã đem lại hiệu quả tốt.

Có thể khẳng định rằng: Trong nhiều năm, công tác chính sách đạt được rất nhiều kết quả, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần cổ vũ động viên tiền tuyến,ổn định hậu phương, đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của Quân đội. Trong thành tích chung của Cục, của ngành, có vai trò của Cục trưởng Lê Tiến Phục, trong nghiên cứu đề đạt nội dung chính sách cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách.

Ngoài điều hành công việc ở cơ quan, ông đã dành nhiều thời gian xuống các địa phương, bám cơ sở, thâm nhập sâu sát các đối tượng chính sách để nắm chắc tình hình thực tiễn. Có lần trên đường đi công tác ở tuyến lửa Khu Bốn, xe ô tô của ông bị máy bay Mỹ ném bom rất gần, sức ép chấn động mạnh hất ông bật khỏi xe, bị ngất. Lúc đó anh Nguyễn Đức Lạc chiến sĩ công vụ đã cõng ông vượt qua nguy hiểm. Trong 10 năm liền, ông làm Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị. Vừa đảm nhiệm Cục trưởng Cục Chính sách vừa đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục, với ông, có thể nói là một khối lượng công việc lớn.